THI CÔNG PHẦN KHUNG NHÀ
Một trong những yếu tố cấu thành nên một ngôi nhà đó là bộ khung. Nếu như con người có khung xương nâng đỡ toàn bộ cơ thể thì ngôi nhà cũng vậy, phần khung là phần bao quát và nâng đỡ toàn bộ ngôi nhà. Thi công phần khung nhà là một trong những hạng mục quan trọng của quá trình thi công xây thô. Quá trình thi công phần khung liên quan mật thiết đến kết cấu của ngôi nhà, sai xót trong một công đoạn cũng có thể làm sai lệch thiết kế cũng như độ vững chắc và an toàn của cả ngôi nhà. Vậy, thi công phần khung như thế nào là đúng quy trình, yêu cầu kĩ thuật trong thi công xây dựng? Dưới đây là một bài viết hoàn hảo cho các vấn đề mà bạn cần biết khi thi công.
Khung nhà bao gồm các tòa bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép, cột, dầm, đà, sàn và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của ngôi nhà.
Một hệ khung nhà bao gồm 5 thành phần chính:
– Cột nhà (phân bố chịu lực cho công trình)
– Dầm nhà (kết nối và truyền lực xuống đầu cột)
– Bản sàn (nâng đỡ các đồ vật trong nhà)
– Tường nhà (tường bao quanh nhà và tường phân chia)
– Cầu thang (bộ phận kết nối)
1. Thi công cột nhà
1.1 – Xác định tim cột
Dùng hai máy đo kinh vĩ đặt theo hai phương vuông góc để định vị vị trí tim cột, các mốc đặt ván khuôn. Sơn đánh dấu các vị trí này để các đơn vị thi công dễ dàng xác định các mốc, vị trí yêu cầu.
1.2 – Lắp dựng cốt thép
Yêu cầu:
– Cốt thép phải được dùng đúng số liệu, chủng loại, đường kính, kích thước, số lượng và vị trí.
– Cốt thép phải sạch, không han rỉ, không dính bẩn, đặc biệt là dầu mỡ.
Lắp dựng cốt thép:
- Cốt thép được gia công trước khi dựng, cắt ghép theo đúng hình dáng được thiết kế, đặt theo từng chủng loại, buộc thành bó để thuận tiện cho việc di chuyển lên vị trí lắp đặt.
- Để có thể thi công được, quá trình buộc thép phải diễn ra trước khi ghép ván khuôn. Cốt thép đứng được buộc bằng dây thép mềm d = 1mm, các khoản nối phải đúng yêu cầu kĩ thuật. Phải dùng các con kê bằng bê tông để đảm bảo vị trí và chiều dày cho lớp bảo vệ cốt thép.
- Nối cốt thép theo tiêu chuẩn thiết kế: trên một mặt cắt ngang không nối quá 25% diện tích tổng cộng của cốt thép chịu lực với thép tròn trơn và không quá 50% với thép có gờ. Chiều dài nối buộc theo TCVN 4453 – 95 và không nhỏ hơn 250mm với thép chịu kéo và 200mm với thép chịu nén.
Việc lắp dựng cốt thép phải đảm bảo:
– Các bộ phận lắp dựng trước không được gây ảnh hưởng đến các bộ phận lắp dựng sau.
– Có biện pháp giữ ổn định vị trí cốt thép, đảm bảo không biến dạng trong quá trình thi công.
1.3 – Lắp dựng ván khuôn cột
– Ván khuôn cột thường sử dụng là ván gỗ, ván thép tấm.
– Ván khuôn có thể lắp, tháo rời từng mảng từng mặt cột. Được dựng thủ công hoặc dùng máy móc để lắp ghép.
– Kiểm tra, điều chỉnh vị trí ván khuôn bằng quả dọi hoặc máy kinh vĩ.
– Định vị bằng các cây chống xiên hoặc dây neo,…
1.4 – Đổ bê tông cột
– Đưa bê tông vào khối đổ qua cửa đổ thông qua máng.
– Chiều cao rơi tự do của bê tông không quá 2m.
– Đầm được đưa vào trong để đầm theo phương thẳng đứng, sử dụng đầm dùi, chiều sâu mỗi lớp bê tông khi đầm từ 30 – 50cm, thời gian đầm khoảng 20 – 40s. Trong quá trình đầm tránh làm sai lệch cốt thép
Lưu ý:
- Với kết cấu có cửa, khi đổ đến cửa đổ thì bịt cửa lại và tiếp tục đổ phần trên.
- Khi đổ bê tông cột, lớp dưới cột thường bị rỗ do các cốt liệu to thường ứ đọng ở đáy cột, để khắc phục hiện tượng này, trước khi đổ bê tông ta nên đổ một lớp vữa xi măng dày từ 10 – 20cm.
1.5 – Tháo dỡ ván khuôn
– Tháo dỡ ván khuôn một cách cẩn thận, tránh làm vỡ cấu kiện. Thời gian tối thiểu tháo dỡ ván khuôn là 36 – 48h.
– Sau khi tháo ván khuôn, tiến hành bảo dưỡng trong 2 – 4 ngày để đảm bảo chất lượng bê tông.
2. Thi công dầm nhà
2.1 – Lắp dựng cốp thép
Đảm bảo lắp ghép cốp pha đúng yêu cầu kĩ thuật: chân cốp pha đảm bảo lắp ghép đúng vị trí, cốp pha đảm bảo chắc chắn, kiểm tra lại hình dáng, kích thước, khe hở của ván khuôn, độ kín để đảm bảo trong quá trình đổ bê tông không bị mất nước.
– Kiểm tra cốt thép, sàn giáo, sàn thao tác. Sử dụng các ván gỗ để làm sàn công tác.
2.2 – Lắp dựng ván khuôn
– Ván khuôn dầm có dạng hộp dài, được ghép bởi hai mảng ván thành và một mảng ván đáy, ván đáy đặt lọt vào giữa hai ván thành, chiều dày của ván đáy là 2-3cm, chiều dày của ván thành 2-3cm, mặt trên ván thành bằng mặt bêtông.
– Thi công ván khuôn dầm phải tạo độ vồng 3/1000 nhịp của dầm.
– Có thể chống giữ ván thành bằng gông mặt, thanh chống xiên bên ngoài, hoặc néo bằng dây thép kết hợp với những thanh văng chống tạm bên trong, tùy theo chiều cao của dầm.
– Để đảm bảo cây chống vững chắc, không lún, người ta đặt cây chống trên những tấm ván lót dày 2-3cm, những tấm ván này đặt trên mặt phẳng ổn định, ở giữa ván lót và chân cây chống có nêm điều chỉnh.
2.3 – Đổ bê tông dầm
– Trong công trình nhà ở dân dụng, chiều cao của dầm ít khi vượt quá 50cm, người ta thường tiến hành đổ bê tông dầm cùng với bản sàn. Dầm được đổ bê tông theo kiểu bậc thang từng đoạn khoảng 1m, đạt tới cao độ dầm rồi mới tiếp tục với các đoạn kế tiếp.
– Khi đổ bê tông toàn khối dầm, chú ý sau khi đổ cột đến độ cao cách mặt đáy dầm từ 3 – 5cm, ta nên dừng lại 1 – 2 giờ để bê tông có đủ thời gian co ngót sau đó mới tiếp tục đổ bê tông dầm và bản sàn.
3. Thi công sàn nhà
3.1 – Lắp dựng cốt thép
Công tác lắp dựng cốt thép tương tự như lắp dựng cốt thép cho dầm.
3.2 – Lắp dựng ván khuôn
– Ván khuôn sàn được thi công cùng lúc với dầm, thành của coppha, dầm sẽ dùng để kê mép của coppha sàn. Pan sàn thả bằng xà gồ 40×80, gỗ cách khoảng 450mm, được chống bởi thanh chống đứng và hệ dàn giáo.
– Chân của hệ chống phải được gia cố bằng ván hoặc nền phải được lu đầm kỹ trước khi chống. Sàn bị lún trong quá trình đổ bêtông nếu gặp trời mưa làm hỏng nền đất chống, điều này cần phải chú ý có phương án khắc phục.
3.3 – Đổ bê tông sàn
– Bê tông thi công sàn có mặt cắt ngang rộng, chiều dày nhỏ hơn, do vậy không cần cốt thép khung và đai. Chiều dày sàn thường dày từ 8 đến 10cm. Bê tông sàn thường không cần yêu cầu chống thấm, chống nóng như bê tông mái. Bê tông phải được đổ theo hướng giật lùi và thành một lớp, tránh hiện tượng phân tầng có thể xảy ra.
– Mặt sàn được chia thành từng dải để đổ bê tông, mỗi dải rộng từ 1 đến 2 m. Yêu cầu khi đổ phải thực hiện theo đúng quy trình, đổ xong một dải mới sang dải tiếp theo. Khi đổ bê tông đến cách dầm chính khoảng 1m thì tiến hành thi công đổ bê tông dầm chính. Đổ bê tông vào dầm đến cách mặt trên cốp pha từ 5 đến 10cm thì tiếp tục đổ bê tông sàn. Sử dụng đầm dùi để dùi chặt bê tông dính kết với nhau.
– Lưu ý: đường vận chuyển bê tông phải cao hơn kết cấu của công trình. Đổ bê tông từ vị trí xa nhất so với vị trí tiếp nhận nguyên liệu, lùi dần về vị trí gần hơn. Và tránh không để nước đọng ở hai đầu và các góc cốp pha, dọc theo các mặt vách hộp cốp pha.
4. Thi công tường nhà
4.1 – Công tác chuẩn bị
– Trộn vữa xi măng theo tỷ lệ cấp phối thiết kế.
– Gạch xây áp dụng cho công trình xây dựng thường là gạch chỉ, gạch lỗ. Gạch trước khi xây phải được tưới hoặc được ngâm qua nước để đảm bảo độ ẩm của gạch trong khi thi công, tránh trường hợp gạch hút ẩm của vữa xi măng gây nứt, vỡ mạch xây.
4.2 – Công tác xây tường
Công tác xây tường phải đảm bảo các yêu cầu sau:
– Vệ sinh, làm sạch vị trí xây trước khi tiến hành.
– Áp dụng xây theo nguyên tắc: “Ngang bằng, thẳng đứng, mạch không trùng” tức là chiều ngang của các viên gạch xây nối tiếp nhau phải bằng phẳng, chiều đứng phải thẳng không nghiêng ngả và cuối cùng là mạch vữa theo chiều đứng của 2 hàng gạch liên tiếp không trùng nhau.
– Tường xây lớp cuối cùng ở vị trí tiếp giáp giữa tường và dầm, sàn thì phải xây xiên
– Chiều dày trung bình của mạch vữa là 12mm (không nhỏ hơn 8mm và không lớn hơn 15mm).
– Chiều cao cho một lần xây tường không lớn hơn 1,5m.
– Gia cố sắt râu cho tường vào kết cấu bê tông bằng hai cây sắt ϕ6 với tường 200, một cây ϕ6 với tường 100. Khoảng cách 400mm theo phương đứng và nhô ra khỏi bề mặt bê tông một đoạn là 500mm.Vách ngăn phải được xây ghép vào tường chính và được gắn neo tường ở cách mỗi 4 hàng gạch.
– Các vị trí cửa phải sao cho Kích thước lỗ mở cửa bằng kích thước của cửa cộng thêm mỗi bên 15mm, là độ hở để thao tác khi lắp dựng khung cửa.
– Vữa xi măng phải được chứa trong các máng vữa mục đích để tránh bị mất nước vữa xi măng gây nứt nẻ vị trí mạch vữa và tránh bị lẫn các tạp chất khác.
5. Thi công cầu thang
5.1 – Lắp dựng ván khuôn – cốp pha
– Xác định vị trí tâm thang trên mặt bằng
– Xác định vị trí từng bậc thang trên hình chiếu bằng
– Dùng dây rọi để tịnh tiến vị trí các bậc thang lên cao độ thiết kế
– Cốp pha dầm thang được đóng bằng ván ép dày để dễ uốn theo chiều xoắn của cầu thang
– Bậc thang hình dẻ quạt đóng bằng ván, chống đỡ bằng cây chống và dàn giáo
– Chú ý phải có sàn thao tác khi thi công ván khuôn cầu thang
– Yêu cầu của cốp pha cầu thang là phải kín, khít, chắc chắn và có cong mềm mại tự nhiên, không được gãy khúc.
5.2 – Đổ bê tông cầu thang
– Để tiến hành đổ bê tông cầu thang, người ta cần xác định được độ dốc hợp lý của bản cốt thép trước khi ghép cốp pha, đặt cốt thép. Có thể tiến hành bằng cách vạch lên tường thang các vị trí của bậc cầu thang. Trường hợp cầu thang không nằm cạnh tường, cần căng dây xác định trên bức tường gần nhất ngang với mặt bậc. Khi đổ bê tông cần lưu ý dùng tấm chắ định hướng để tránh vữa bê tông rơi xuống đáy dốc.
– Độ sụt bê tông thường từ 10-13cm.
5.3 – Thi công sàn thang
Sàn thang được thi công sau khi đã đổ xong phần bê tông mặt sàn. Tùy vào tiến độ thi công mà nhà thầu có thể lựa chọn thời gian để thi công sàn thang. Với các công trình nhiều tầng, có thể thi công các mặt sàn xong sau đó mới tiến hành thi công tới cầu thang bộ.
Thi công bậc cầu thang:
– Bậc thang được thi công đổ theo khuôn ván bê tông mặt sàn cầu thang
– Bậc thang được thi công sau khi đã đổ bê tông mặt sàn cầu thang