Chống thấm khi xây mới

Chống thấm khi xây mới

1. Tác hại của thấm nước
Một ngôi nhà bị thấm nước sẽ dần dần làm suy giảm chất lượng các kết cấu mà nó thấm nước qua. Nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ công trình và ảnh hưởng cả đến sinh hoạt khi thấm nặng, nước tràn vào nhiều,… Khi bị thấm, các loại nấm mốc cũng sẽ phát triển, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe, nhất là với một số người có cơ địa dị ứng.
Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, có mùa hè rất nóng và mùa đông lạnh (ở miền Bắc) các kết cấu có sự co giãn theo mùa, theo thời điểm trong ngày khá lớn càng gây nguy cơ thấm dột sau một thời gian công trình đưa vào sử dụng.
Hiện tượng thấm dột chủ yếu xảy ra bởi các nguyên nhân là thấm từ bề mặt tiếp xúc nước qua bê tông (ví dụ thấm sân thượng, thấm máng sê nô, thấm sàn vệ sinh…) hoặc thấm do không thi công tốt tại các ống thoát nước, ví dụ tại phễu thu nước sàn vệ sinh, thu nước mái sân thượng….Các nội dung đó xin trình bày dưới đây:

2. Các phương pháp Chống thấm khi xây mới qua bề mặt bê tông
Nguyên tắc chung chống thấm là tạo một màng ngăn nước thấm vào trong bê tông, dù là bê tông thường hay là bê tông có khe nứt. Có thể trộn chất chống thấm ngay từ khi trộn bê tông cũng tạo hiệu quả tốt.
Một số loại vật liệu chống thấm / phương pháp chống thấm là:
* Vật liệu chống thấm gốc xi măng (có thể dạng bột hoặc đã pha trộn chất lỏng để ra dạng dẻo sền sệt): Trộn với xi măng bột tinh chất, quét lên bề mặt nhiều lớp (bề mặt được làm sạch) rồi thực hiện tráng vữa bê tông, lát gạch lên trên. Vật liệu này bền và tốt nếu kết cấu là ổn định, nhưng nhược điểm là khi có các vết nứt kết cấu thì nó không co giãn tốt nên không tự trám vá được nên vẫn có thể gây thấm trong trường hợp này.
* Vật liệu chống thấm gốc polime (nhựa, cao su, bitum..): Bản chất như là tráng một lớp nhựa / cao su lên trên vậy, các khe co giãn sau này có phát sinh chút ít thì cao su cũng giãn nở cùng nên vẫn có khả năng chống thấm tốt. Tuy nhiên vấn đề tuổi thọ của lớp màng này khi mà thời tiết của VN quá khắc nghiệt cũng là nỗi lo. Với chống thấm các khu vệ sịnh, bếp thì vật liệu khá bền lâu. Với sân thượng, sê nô, các bề mặt tiếp xúc ánh mặt trời thì cần lát thêm lớp gạch hoặc tráng vữa xi măng lên trên tránh việc các tia tử ngoại của mặt trời làm ảnh hưởng chất lượng lớp chống thấm.
* Chống thấm bằng màng bitum (dạng nhựa đường): trải các tấm đáy có láng nhựa bitum lên trên bề mặt rồi dùng đèn khò khí gas khò để làm chảy bitum liên kết các tấm màng này. Sau đó láng vữa lên trên và lát gạch. Phương pháp này nhìn chung rất tốt nhưng giá thành khá cao.
* Chống thấm bằng sơn epoxy: Quét nhiều lớp sơn epoxy và keo epoxy nhiều lần, mỗi lần cách nhau 5-6 tiếng tạo lớp bảo vệ bề mặt. Phương pháp này giá thành cũng cao nhưng cũng chưa thật tốt nếu kết cấu không ổn định phát sinh các vết nứt, khe nhỏ.
Chọn vật liệu chống thấm loại nào thì quý gia chủ nên tham khảo người có kiến thức & kinh nghiệm về xây dựng dân dụng. Dù ứng dụng phương pháp nào thì nhà thầu cũng phải làm tốt khâu làm bề mặt bê tông ngay sau khi đổ, tạo dốc bê tông đủ mạnh về hướng thoát nước tránh đọng nước từ lớp bê tông gốc này. Việc chống thấm nên phát triển thêm lên các bức tường xung quanh với chiều cao 15-20cm. Cần đọc kỹ tài liệu của nhà SX để thi công chống thấm có hiệu quả cao.


3. Các khu vực thường xảy ra thấm dột trong một ngôi nhà:
– Sân thượng, máng xối, sê nô, … nói chung là các bề mặt nằm ngang có tiếp xúc nước mưa: Đây là các khu vực nguy cơ cao gây thấm khi có mưa, hoặc chỉ xảy ra khi có mưa mà ống thoát bị ngẽn không chảy kịp gây đọng nước. Độ đốc các vùng này nên làm thật lớn, có bố trí quả cầu chắn rác để tránh rác lọt vào ống thoát. Thường xuyên thăm kiểm tra để vệ sinh máng xối, sê nô,… để tránh gây tắc nghẽn.
– Sàn nhà vệ sinh: Đây là khu vực có nguy cơ thấm quanh năm, vì sinh hoạt tắm giặt làm cho bề mặt sàn luôn bị ướt.
Mọi phương pháp chống thấm kể trên đều có thể dùng cho khu vực sàn nhà vệ sinh tuy nhiên phương án dùng vật liệu dạng bột gốc xi măng hoặc gốc latex là một lựa chọn tốt cho khu vực này vì diện tích thường nhỏ, khả năng biến dạng của kết cấu là rất ít. Chỉ cần chú ý khu vực này có nhiều đường ống nên tại các vị trí lỗ đường ống này phải được chống thấm kỹ lưỡng bằng vòng keo trương nở chống thấm ôm xung quanh ống, khi gặp nước thì nó sẽ trương nở và ôm chặt ống không để nước thấm qua.Dù ứng dụng phương pháp nào thì nhà thầu cũng phải làm tốt khâu làm bề mặt bê tông ngay sau khi đổ, tạo dốc bê tông đủ mạnh về hướng thoát nước tránh đọng nước từ lớp bê tông gốc này. Việc chống thấm phải phát triển thêm lên các bức tường xung quanh với chiều cao 15-20cm.

Dù đã được chống thấm nhưng sau quá trình sử dụng, nước sẽ lọt qua khe gạch sàn thấm xuống dưới. Nếu để nước ngâm đọng lâu ngày, nước nhiều hóa chất cũng gây nguy cơ thấm sàn vệ sinh.  Vậy nên cần tránh để nước đọng bên dưới thành ao, cần có cách thoát nước như hình.

– Tường và sàn tầng hầm, hố pit thang máy: Đây cũng là khu vực nguy cơ cao vì nước ngầm nhìn chung thường cao hơn đáy hầm nên bản chất xung quanh bên ngoài vách hầm là nước. Nếu hầm xây mới không sát các hầm khác thì cần được chống thấm mặt ngoài. Việc chống thấm bên trong là khó khăn và hiệu quả kém hơn. Trong chống thấm vách hầm và sàn thì việc đầm kĩ bê tông từ khi đổ bê tông là cực kì quan trọng.
Phương pháp chống thấm tỏ ra hiệu quả nhất với tầng hầm là chống thấm mặt ngoài hầm bằng tấm bitum khò bằng đèn gas, sau đó là dùng các sản phẩm hóa chất dạng quét.
Nếu không có điều kiện chống thấm mặt ngoài thì buộc phải chọn giải pháp chống thấm ngược, tức là chống thấm mặt trong. Có vài lựa chọn trong vật liệu chống thấm ngược là: màng bitum khò nóng, màng dán lạnh, vật liệu chống thấm dạng phun, dạng quét tạo màng,… Tuy nhiên cách này không đảm bảo bằng chống thấm từ mặt ngoài.
– Tường mái áp sát tường căn nhà khác: Vấn đề xây nhà đô thị phải áp sát tường căn nhà khác là rất phổ biến. Do nếu thấm xảy ra thì rắc rối phiền phức cho cả hai gia đình nên quý chủ nhà nên bàn bạc với gia đình hàng xóm để họ hiểu và phối hợp. Nếu mái hai căn cao như nhau thì khá dễ xử lý, thường là bằng cách làm một mũ chụp bằng tôn, inox để chụp lên cả hai đỉnh tưởng hai nhà. Nếu mái nhà này chỉ cao ngang tường nhà khác thì buộc phải xử lý. Tốt nhất là cắt vài cm vào tường nhà cao hơn rồi dùng tôn, inox gắn vào, trát vữa tốt, trám keo silicon. Nếu không được phép đục vào tường thì sẽ chỉ áp sát tấm tôn, inox vào tường, dùng đinh ghim khoảng cách ghim gần nhau rồi dán silicon trên đỉnh chỗ ghép mý. Gần đây có giải pháp bổ sung là băng keo bạc dán thêm lên mép chỗ ghép nối tường và tấm tôn/inox, che thêm lớp silicon sẽ có tác dụng chống nước xâm nhập trực tiếp bởi băng keo cũng như bảo vệ cho lớp silicon bền hơn.
– Chân tường sàn tầng 1 (tầng trệt): Khu vực này cũng hay bị thấm tường khiến các lớp bả, sơn bị bong tróc, ghẻ lở rất mất mỹ quan. Nguyên nhân là tường bị hút ẩm từ dưới lên. Ngay từ khi XD thì cần tính để phòng ngừa bằng cách đổ một lớp bê tông, rộng ngang bằng tường gạch, cao khoảng 10cm, có hai sợi thép d6 bên trong cao độ ngang mặt đất rồi xây gạch tường lên trên. Lớp bê tông này như một tấm chắn nước thấm từ dưới lên trên không làm ẩm tường. Đống thời vữa trát cũng là loại vữa tốt, trộn kĩ. Có thể sử dụng các phụ gia gốc xi măng, gốc latex quét thêm đoạn tường có chiều cao từ mặt sàn lên thêm 20cm để an tâm hơn.
– Bể nước, bể phốt / hầm cầu thấm từ trong ra: Các bể này chức năng luôn chứa nước nên nguy cơ thấm nứt cũng cao nếu không được xử lý tốt ngay từ khi XD. Chống thấm chung cho loại kết cấu này là việc làm nền móng bể thật ổn định, thường đổ bê tông dày 12cm rồi xây bể lên trên. Gạch xây bể được chọn kỹ, vữa trộn kỹ, sau khi xây xong tô trát bằng vữa xi măng tốt, chống thấm bằng cách quét lớp phụ gia chống thấm hoặc đơn giản hơn là đánh màu bằng xi măng tinh chất.
Ghi chú: Một nguyên nhân gây thấm tường cũng hay xảy ra là thấm từ đường ống dẫn nước có áp lực (do thi công ống nước không tốt, do áp lực tăng đột xuất hoặc do nhà bị lún gây nứt ống….). Đây bản chất là sự cố về phần ống nước, không phải sự cố thấm. Thấm tường chỉ là chỉ dấu cho thấy ống nước bên trong có vấn đề, cần xử lý ống nước trước khi xử lý bề mặt bị thấm. Lúc này thì không cần chống thấm tường thì cũng không có hiện tượng thấm trở lại nữa.

Đầu tư chống thấm tốt ngay từ khi xây dựng luôn là cách tốt nhất, tiết kiệm nhất, nhẹ nhàng thanh thản đầu óc nhất so với việc phải xử lý chống thấm sau này.


4. Thực tế thi công
a.Hạn chế sử dụng các kết cấu đà/dầm nổi:
Các kết cấu đà/dầm nổi, đổ sỉ than / vật chất nhẹ khác ví dụ xốp, cát,… tạo mặt bằng như trong hình sẽ vô tình tạo thành hai khoang chứa nước lâu dần sẽ gây thấm dù mặt bê tông sàn đã chống thấm (?)

Chống thấm khi xây mới

Với khu vực sàn nhà vệ sinh thường bê tông sàn được hạ cốt so với mặt sàn nói chung. Như vậy trước khi đổ vữa tạo phẳng lát sàn cũng cần tạo một lối thoát cho nước lọt qua các lớp gạch, bê tông xuống lớp bê tông gốc này chảy ra ngoài. Nếu không làm vậy lâu dần nước cũng sẽ thâm nhập và tạo thành vũng nước bên dưới sàn vệ sinh gây thấm (dù đã được chống thấm vẫn nguy hiểm).
b. Hạn chế trồng cây trực tiếp vào bồn trên các tầng: Chống thấm cho các bồn cây trên cao nếu đổ đất trồng trực tiếp là rất khó khăn, dễ sinh thấm sau thời gian sử dụng. Hiện nay việc trồng cây trong chậu dễ dàng nhờ các loại đất, phân vi sinh bán sẵn nên gia chủ nên trồng cây vào các chậu, đặt vào trong các bồn cây thì việc xử lý chống thấm, làm đường thoát nước cho các bồn cây này dễ dàng hơn nhiều.
c. Thấm lỗ tường bắc giáo: Trong quá trình xây dựng, các nhóm thợ thường để các lỗ trống khi xây tường để khi hoàn thiện thì bắc các thanh gỗ chọc ngang đỡ sàn cho thợ xây dựng thao tác tô trát bên ngoài. Sau khi đã tô trát thì việc xây bịt các lỗ này, tô trát kỹ chống thấm rất quan trọng. Rất nhiều trường hợp các vết bịt này bị thấm. Nên đề nghị tổ thợ tô trát chú ý, tốt nhất là trộn thành phần chống thấm khi xây bịt, tô trát lỗ này.
d. Chống thấm sàn bê tông mái: Việc thiết kế mái bê tông lát gạch tạo thành sân thượng thì rất phổ biến, đem lại không gian sân chơi, trồng cây, thư giãn… cho gia đình nhưng lại là vấn đề khó khăn cho chống thấm. Một vài lời khuyên là nên làm sàn bê tông thật dốc, độ dốc lớn chút cũng không làm ảnh hưởng lắm đến sân thượng nhưng lại rất tốt cho hiệu quả việc chống thấm dù là chống thấm bằng cách quét lớp xâm nhập hay màng bitum chống thấm. Nó cũng rất tốt kể cả xử lý chống thấm sau này sau một số năm sử dụng. Trong công tác tạo dốc bê tông này, phần thu gom nước (rốn thu) nên được làm thấp hẳn xuống trước khi nước chui lọt vào ống. Nước thoát nhanh, không đọng lại là cách chống thấm tốt nhất. Nếu sân thượng rộng, phân chia thành vài vùng thu nước, dốc về vài hướng khác nhau thì làm các đường phân thủy một cách tương đối rõ ràng để việc chống thấm hiệu quả hơn. Sau khi dùng vật liệu chống thấm thì cần lát lên lớp gạch hay đổ lớp bê tông để bảo vệ, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào lớp chống thấm, tia tử ngoại sẽ làm hư hại và biến chất lớp này dần mất tác dụng.

Rate this post

Chống thấm khi xây mới -