Thiết kế, thi công hệ thống điện an toàn.

Thiết kế, thi công hệ thống điện an toàn.

Điện đã quá quen thuộc với các gia đình, tuy nhiên thiết kế và thi công điện lại không dễ, cần người có kiến thức và kinh nghiệm.
Tại các nước phát triển, việc thiết kế hay thi công các hệ thống điện gia đình dù đơn giản cũng phải do người có chứng chỉ thực hiện. Và để có chứng chỉ thì việc học thật và thi thật là điều bắt buộc.
Tại VN, đáng buồn là các quy định pháp luật chưa được nghiêm như vậy, thợ điện nước công trình nhiều người không có kiến thức sâu, nên các tai nạn trong quá trình thi công và sử dụng điện vẫn có nguy cơ xảy ra.  Nhất là các vùng nông thôn, việc xây nhà vẫn cơ bản giao phần điện cho những người thợ bình thường thực hiện và đây là cách thức sai lầm, tiểm ẩn các nguy cơ về an toàn hoặc bất tiện về sử dụng sau này.
Quý gia chủ nên nhìn nhận rằng điện là một bộ môn khoa học kỹ thuật, chỉ giao cho người có hiểu biết về khoa học kỹ thuật điện thực hiện. Khi thi công, sửa chữa cần có phương án chi tiết, tính toán phương án an toàn lao động và có phương án xử lý khi xảy ra sự cố ngoài mong muốn.

Khi xây nhà thì EVN – Tổng công ty Điện lực sẽ tiến hành lắp công tơ và bán điện đến công tơ của gia đình (công tơ là tài sản của EVN), việc truyền tải điện từ công tơ vào trong nhà, đến từng ổ điện, công tắc là do các chủ nhà thực hiện.
Nhìn chung hệ thống điện cho gia đình nên được thực hiện theo một số nội dung sau:
– Thiết kế: Thiết kế hệ thống điện cần phân nhánh, phân khu vực từng tầng, từng vùng. Trong từng tầng, vùng đó lại phân nhỏ ra các mục tiêu sử dụng thành các nhánh riêng như điện ổ cắm, điện chiếu sáng, điện máy lạnh, điện sưởi ấm… Mỗi nhánh như vậy cần có các CB / áp tô mát riêng để được bảo vệ an toàn và có thể chủ động đóng cắt khi cần thiết. Việc lựa chọn thiết bị đóng cắt tự động, kích cỡ dây dẫn phải theo nhu cầu sử dụng của phụ tải, lựa chọn các thông số phù hợp về công suất thiết bị. Việc lựa chọn tiết diện dây, công suất thiết bị nên có tính đến sự phát triển sau này các phụ tải dùng điện tăng thêm thì vẫn đáp ứng được yêu cầu.
Người thiết kế cần tính toán đường đi các mạch điện sao cho ít xung đột về không gian nút giao. Lưu ý cần ghi rõ các loại dây điện cả dây 220v và dây điện nhẹ đều cần đi trong ống gen chống cháy. Không đi chung các đôi dây khác loại (ví dụ điện 220v và điện nhẹ). Tốt nhất không đi quá 2 đối dây trong một ống. Thói quen chôn dây trực tiếp trong tường tuy ít nhưng vẫn còn, mang lại rắc rối rất nhiều về sau.
– Thi công Việc thi công chỉ được thực hiện bởi người có hiểu biết về điện, tốt nhất là có chứng chỉ nghề điện dân dụng. Khi thi công phải có đầy đủ trang thiết bị thi công, an toàn lao động. Ghi chú: Các quý gia chủ nên ký hợp đồng thi công điện để vừa ràng buộc về kỹ thuật, bảo hành nhưng cũng là tài liệu rất tốt cho quý gia chủ khi không may xảy ra hiện tượng mất an toàn trong thi công. Mẫu HĐ tham khảo có thể liên hệ chúng tôi giúp đỡ.
– Tiếp địa: Mỗi gia đình nên sử dụng hệ thống dây tiếp địa, là dây được nối với đất qua một cọc tiếp địa tiêu chuẩn (thường là mạ đồng), dài 2-3m đóng sâu xuống đất ẩm (cần được đo điện trở để đảm bảo đã đạt yêu cầu truyền điện xuống đất). Các thiết bị điện có vỏ kim loại như quạt, tủ lạnh, máy bơm, máy giặt,… buộc phải thực hiện tiếp địa vỏ máy để khi có rò điện thì không bị điện giật nguy hiểm nữa.
Với hệ thống bình đun nước nóng bằng điện thường có đi kèm một “hộp chống giật”, bản chất là một cái ELCB trình bày bên dưới, tuy nhiên quý chủ nhà nên biết rằng hộp chống giật đó chỉ làm việc hiệu quả khi nó không quá bị ẩm ướt, bụi bặm và nên được nối dây tiếp địa. Thực tế giám sát chúng tôi đã gặp rất nhiều thợ điện nước do kém hiểu biết, vô trách nhiệm đã bỏ hộp đó đi cho đỡ phiền sau này (vì có vài trường hợp do nó lắp đặt trong buồng tắm nên bị ẩm, bụi và thỉnh thoảng tự cắt điện vào bình). Nên quý chủ nhà cần chú ý giám sát khi thợ lắp đặt bình nước nóng bằng điện.

Lắp đặt thiết bị ELCB chống giật điện: Hiện trên thị trường đã có bán nhiều loại thiết bị tự cắt khi phát hiện dò điện. Nguyên lý hoạt động là nó sẽ so sánh dòng điện theo các chiều đi và về trong mỗi chu kỳ, nếu phát hiện sự chênh lệch quá mức độ nhất định nào đó thì nó sẽ tự ngắt dòng điện. Nếu có hiện tượng giật điện, dò điện ra vòi, ra nước tức là đã có một dòng điện dò ra, “rẽ nhánh” để chạy lên cơ thể người nên sẽ “hao hụt” một chút chiều dòng về và nó phát hiện ra sự chênh lệch rất nhanh nên sẽ lập tức cắt điện. Tên thiết bị là ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker – Tạm dịch là Cầu dao chống giật, aptomat chống giật, CB chống giật). Nó hoạt động giống một cái CB (aptomat) thông thường nhưng có thêm phần tự cắt khi phát hiện dò điện, hình dáng cũng gần giống (xem hình trên) nhưng được ghi rõ nội dung và thường có thêm nút test bấm vào để thiết bị ngắt điện. Khi lắp đặt cần chọn đúng thông số dòng, miliampe là mức chênh lệch mà ELCB sẽ cắt điện; cần nối đúng N vào dây âm, L vào dây dương; Line là nối về điện nguồn và Load là nối về máy móc dùng điện. Thiết bị này nên được lắp đặt trong gia đình để thêm một lớp an toàn nữa khi sử dụng các thiết bị có nguy cơ cao như bình nước nóng, các thiết bị có vỏ kim loại,…Đa số các nhà SX đều khuyến nghị quý vị ấn thử nút test hàng tháng để nó thử cắt điện, tránh lâu ngày nó không hoạt động sẽ kẹt lò xo, cứng vài cơ cấu gây kẹt khi cần cắt điện. Nếu khi bấm nút nó cắt điện tốt thì có nghĩa là đang trong tình trạng hoạt động tốt.
– Chọn lựa vật tư điện: Gồm dây dẫn, ống luồn dây, thiết bị đóng cắt, các thiết bị như công tắc, ổ cắm,… phải lựa chọn loại tốt, chính phẩm. Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái là phổ biến nên việc lựa chọn nơi mua hàng phải được tiến hành kỹ lưỡng.
– Luồn dây: Cho phép luồn nhiều dây trong cùng một ống nhưng dây phải được đánh dấu/ lựa chọn màu đồng nhất toàn nhà (ví dụ đỏ là dây nóng, xanh dương là dây lạnh, vàng là dây tiếp địa). Không luồn quá nhiều dây trong ống để tiết diện ống bị chiếm quá 60%. Các vị trí giao của ống điện với ống nước, với kết cấu cần được uốn để sau này luồn dây dễ. Các vị trí vuông góc, ngoặt gấp cần có hộp nối.
– Nguyên tắc đi ống: Các đường ống chỉ nên đi ngang hoặc dọc, đế sau này từ các vị trí như ổ điện, công tắc người sử dụng có thể nhận biết cơ bản đường đi của ống điện trong tường. Không để ống dây có nguy cơ bị lọt nước vào. Không luồn chung dây điện 220v với các dây điện nhẹ như TV, điện thoại,…
– Nguồn dự phòng: Nên làm hai mạch nguồn điện: một nguồn từ điện lưới thành phố, một nguồn từ nguồn khác như máy phát điện khi mất điện thành phố hoặc nguồn từ hệ thống pin năng lượng mặt trời đang dần phổ biến.
– Hoàn công, lưu hồ sơ: Sơ đồ mạch điện cần được lưu lại sau này có thể sửa chữa, mang ra xem khi cần thiết (gọi là hoàn công điện). Các ghi chép và hồ sơ máy móc thiết bị điện cũng nên lưu lại. Đã nhiều tai nạn xảy ra khi khoan tường, đục tường trúng phải đường dây điện vì người thực hiện không có hồ sơ hoàn công, không biết tại vị trí đó có đường dây ngầm chạy bên trong.
– Bảo trì: Hệ thống điện tuy chỉ ở quy mô gia đình song cũng cần được bảo trì, kiểm tra thường xuyên, tối thiểu 1 lần mỗi năm bởi người có trình độ tay nghề để tránh các vấn đề mất an toàn, gây hư hỏng thiết bị hay thậm chí an toàn sức khỏe con người.

*******
Thi công nối dây cấp điện cho các thiết bị ngoài trời:

Trong phạm vi XD nhà ở có rất nhiều thiết bị sử dụng điện được để ngoài trời như van phao bồn nước trên mái, cấp điện cho cục nóng điều hòa không khí, cấp điện ra cổng, tường, chiếu sáng ngoài nhà…. Thực tế cho thấy nếu không có sự giám sát của người có kiến thức thì rất dễ xảy ra hiện tượng thợ điện làm cho xong, không tính toán xa dẫn đến các sự cố không mong muốn.
Vài vấn đề hay gặp trong thực tế là:
– Chọn dây, sơ đồ đấu nối dây, ngắt nguồn riêng…: Luôn chọn các dây có tiết diện lớn hơn nhu cầu thực tế tính toán, vỏ bọc dây gồm hai lớp, luôn có thiết bị ngắt điện riêng cho các nguồn điện này (ngắt tất cả các cực tiếp xúc) để an toàn khi khi công cũng như sửa chữa, vận hành sau này. Với các phần dây ngoài trời, rất hạn chế việc nối dây, nếu nối phải bọc kỹ và đảm bảo chống lọt nước.
– Nguy cơ rò điện ra các mái tôn, kết cấu thép, bồn nước inox trên mái…:
Do các mái tôn, chi tiết thép khá sắc nhọn nên khi nối dây cần bọc kỹ dây chỗ tiếp xúc với kim loại bằng các lớp cách điện dày. Phải cố định dây không cho đung đưa bởi gió, nếu không trong quá trình sử dụng dây sẽ bị cọ xát vào kim loại, lâu dần sẽ gây hở điện, truyền sang hệ kết cấu kim loại rất nguy hiểm. (nên tốt nhất các hệ kim loại luôn được tiếp địa kỹ). Nhìn chung khi lắp đặt dây cũng như các thiết bị điện, cần tính toán để an toàn điện chống rò điện ra mái tôn, hệ kết cấu khung thép, bồn nước inox trên mái và cả van phao bề ngầm… Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, xin đừng chủ quan.
– Bảo vệ đường dây không kỹ: Sử dụng các ống nựa nội thất như ống ruột gà, ống nhựa không bền,… để luồn dây. Dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, các ống này sẽ bị giòn, lão hóa trong vài ba năm và sau đó sẽ vỡ tan gây mất an toàn điện. Khuyến nghị nên dùng ống PVC cấp nước đường kính nhỏ cho các mục đích này sẽ lâu bền hàng chục năm.
Làm ống đi dây bên trong kiểu cong vô tình thành ống chứa nước, ngâm dây bên trong: Nhiều thợ không chú ý sẽ xảy ra hiện tượng như hình minh họa , làm cho đường ống bảo vệ dây lại trở thành ống chứa nước ngâm dây, một thời gian sẽ gây chập điện.
Tốt nhất là nên tránh để kiểu ống cong chứa nước như vậy. Hoặc giải pháp khác là phải bịt đầu ống hạn chế nước chui vào ống, phía dưới bụng ống chỗ võng thấp nhất cần đục lỗ để nếu nước có xâm nhập thì sẽ thoát ra được. Với các bể inox trên mái như trên vốn rất phổ biến trong việc xây dựng nhà ở cá nhân, thì hiện đa số các thợ điện nước thông thường sẽ nối phao điện bằng điện 220V.  Điều này nhìn chung là rất nguy hiểm, chỉ cần google với từ khóa “điện giật bồn inox” thì sẽ thấy hàng trăm sự cố chết người khi lắp đặt, thau rửa, sửa chữa bể nước, bồn nước (kể cả khi dây nối tới phao điện là dây trung tính, dây “âm” hay có thể còn gọi là dây “lạnh” thì vẫn không an toàn & sự cố vẫn có thể xảy ra vì nhiều lý do). Hiện trên thị trường đã có các rơ le (relay) điều khiển phao điện, thay vì đấu điện 220v vào dây phao thì đấu qua rơ le theo sơ đồ hướng dẫn, lúc này điện nối vào phao sẽ chỉ 6-12-24v tùy loại rơ le nên rất an toàn kể cả khi bị chạm, dò điện thì cũng không gây ảnh hưởng sức khỏe . Xin tham khảo về sơ đồ đấu nối rơ le như hình bên (một số phần có thể lược bỏ ví dụ công tắc điện, xin xem cụ thể hướng dẫn từng loại rơ le. Với sơ đồ chỉ có phao bể ngầm, chỉ có phao bể mái cũng sẽ được nhà SX rơ le hướng dẫn chi tiết tại tờ hướng dẫn kèm theo khi bán hàng).
Đây là thiết bị rất cần thiết cho các gia đình nhưng đáng tiếc hiện chưa nhiều thợ điện nước biết đến và ưa dùng nên quý chủ nhà nên đề nghị thợ điện nước nghiên cứu lắp đặt khi họ đấu nối điện cho hệ thống phao.
*Vì sự an toàn của gia đình, quý vị cần rất cẩn trọng với vấn đề an toàn điện*

 

Rate this post

Thiết kế, thi công hệ thống điện an toàn. - CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TÂN HOÀNG PHÁT