Hệ thống thoát nước gia đình

Hệ thống thoát nước gia đình

Hệ thống thoát nước gia đình cơ bản là khá đơn giản song cũng cần một phương án thiết kế tốt và đặc biệt cần đơn vị thi công cẩn thận, kinh nghiệm. 
Có các hệ thống thoát nước sau: nước mưa, nước sinh hoạt và nước từ hầm cầu /bể phốt. Các hệ thống này nên tách biệt hoàn toàn cùng nhau, với điều kiện nhà ở các thành phố, các hệ thống này chỉ nên hợp lại sau khi ra đến hố ga chung ngay trước khi đấu nối với hệ thống thoát nước chung của khu dân cư.
Vật liệu dùng cho hệ thống này chủ yếu là các ông uPVC rất phổ biến trên thị trường, dễ nối ống, dễ lắp đặt. Tại miền Bắc là các ống Tiền Phong, tại miền Nam là các ống Bình Minh là phổ biến nhất.
Nói ống 90 nghĩa là gì: Là đường ống bên ngoài của ống, đường kính bên ngoài trừ đi hai lần chiều dày của thành ống là đường ống trong, đường kính liên quan đến khả năng vận chuyển nước của ống. Độ dày ống tùy loại, tùy đường kính. Ví dụ ống 90 thường có chiều dày thành ống từ 1,8 đến 2,7mm tùy chủng loại.
Hệ thống thoát nước mưa: Gồm thoát nước mưa từ trên mái và thoát nước mưa sàn vườn. Đây loại nước sạch có thể cho chảy ra sân, ra cống hoặc ra đường, ra vườn cây trực tiếp. Ở thành phố, nơi có các tuyến ống thoát nước mưa thì nước mưa từng gia đình phải chảy vào hệ thống này.
– Hệ thống thóa nước mưa trên máng trên mái cần đặt các quả cầu chắn rác bằng inox, phải bố trí sao để có thể thăm và kiểm tra máng nước trên mái, tránh việc tắc nghẽn do lá cây, do rêu mốc hoặc các nguồn rác thải bay trong không khí rơi xuống mái nhà. Với ban công, sân thượng cần tính mỹ thuật cao hơn thì cũng cùng nguyên lý thoát mái nhưng nên dùng cái chắn rác dạng vồng lên, không dùng loại phẳng như trong nhà vệ sinh như rất nhiều nhà thầu, gia chủ đang sử dụng (xin xem hình). Loại vồng lên thế này khó bị tắc nghẽn hơn loại phẳng. Ống thoát nước mưa mái nhà có thể được gắn chắc chắn vào thành bên ngoài tường hoặc chạy trong hộp kỹ thuật nhà.
– Trước khi xả vào cống chính, cần làm một hố ga kiểu dạng bể lắng ngăn mùi để thỉnh thoảng thu vét cống, tránh tắc cống và mùi xông ngược nếu phải xả nước vào chung cống với các nguồn nước khác.
– Độ dốc ống thoát tối thiểu 2% (1m thì chênh cao độ 2cm) để tạo ra tốc độ dòng chảy đủ lớn để cuốn theo các chất cản trở dòng.
– Đường ống nên dùng các ống kích thước lớn để năng lực thoát tốt, dễ thông tắc khi cần.

Hệ thống thoát nước sinh hoạt: Như nước từ lavabo rửa mặt, nước chậu rửa khu bếp, nước sàn nhà vệ sinh,… là loại nước có chứa xà phòng, chất hữu cơ,.. nên phải được dẫn riêng chảy ra hệ thống chung của khu dân cư.
– Loại nước này cần cho chảy qua các hố ga để lắng các chất bẩn, chất hữu cơ. Thỉnh thoảng (6 -12 tháng) mở ra làm vệ sinh tránh ùn ứ gây tắc nghẽn toàn hệ thống. Kích thước các khoang lắng nên đủ lớn, tối thiểu 20cm và sâu cũng khoảng 20cm để nâng cao năng lực chứa chất lắng.
– Nguyên tắc cấu tạo hố ga lắng cũng như hình trên, xin chú ý là miệng xả nên cắm xuống nước để tránh chuột có thể chạy ngược trong ống.
– Đường ống thoát nước nên dùng loại tốt, đường kính lớn hạn chế tắc nghẽn. Ví dụ ngay sau vòi rửa tay, vòi bếp có thể dùng đoạn ống thoát 34mm, 43mm song khi đến đoạn nằm ngang thì nên chuyển sang ống 90mm để an toàn hơn. Tại các đoạn ống thoát chính, cần dùng đến loại 90/110mm cho tăng khả năng thoát nước, giảm nguy cơ tắc ống.
– Tại các vị trí vuông góc, vị trí giao nhau của ống cần lắp đặt các hố gas thu có nắp đậy có khoang lắng cặn để dễ dàng xử lý, làm vệ sinh thường xuyên tránh tắc ống thoát.
– Tại các vị trí thu nhận nước như sàn nhà vệ sinh, chậu rửa ,… thì cần bố trí các đường ống kiểu “cổ ngỗng” để luôn có màng nước tạo màng ngăn mùi hôi xông ngược lên. Cấu tạo miệng thu sàn cũng có chi tiết đó nhưng chức năng này rất hạn chế bởi nước nhanh bị bay hơi cạn và màng nước mỏng nên dễ bị hơi bay qua dù áp lực hơi ống chênh rất nhỏ.
– Độ dốc ống thoát tối thiểu 2% (1m thì chênh cao độ 2cm) để tạo ra tốc độ dòng chảy đủ lớn để cuốn theo các chất cản trở dòng.
– Hệ thống trục ống thoát chính của nhà phải có ống thông hơi lên mái để cân bằng áp suất trong ống với áp suất không khí. Nếu không có ống thông hơi, khi xả nước vào ống sẽ khó thoát nước, hoặc hút sạch nước làm cạn đoạn ống cong (cổ ngỗng / con thỏ) ngăn mùi. Đường ống này có các mùi hôi nên cần đưa lên cao, tránh ảnh hưởng đến các tầng dưới và hàng xóm.
– Tại các điểm đấu nối, điểm rẽ nhánh hoặc chuyển hướng dòng nước  luôn bố trí các cửa thăm để có thể thăm, thông tắc khi cần thiết. Việc này rất quan trọng tránh việc phải phá dỡ tường, sàn khi có hiện tượng tắc nghẽn trong quá trình sử dụng.

Hệ thống thoát nước từ bệ xí, tiểu nam ra hầm cầu rồi từ hầm cầu ra cống nước thải: Đây là phần quan trọng trong ngôi nhà, nếu không hiểu rõ về nguyên lý cấu tạo hầm cầu, đường ống sẽ dẫn đến các hiện tượng như mùi hôi xộc ngược, tắc đường ống dẫn phân, nứt và thậm chí nổ bể chứa phân, …..
Mô tả hệ thống: Là hệ thống thu gom nước thải, chất thải từ bồn cầu, tiểu nam, tiểu nữ đến một bể tập trung để xử lý bằng quá trình lên men. Song song với hệ thống ống thu gom chất thải này là hệ thống thông hơi của bể chứa chất thải ra ngoài (thường là lên mái nhà) để áp suất trong bể và ngoài không khí là cân bằng nhau. Đã có nhiều trường hợp do không làm đường thông khí hoặc đường thông bị tắc mà các khí sinh ra trong quá trình lên men chất thải tích tụ và phát nổ bể chứa.
Đường ống dẫn chất thải: Chất liệu là ống uPVC, nối bằng keo dán chuyên dụng, đường kính ống tối thiểu 90mm, với các trục chính thì đường ống nên là 110mm. Đường ống nên nối bằng các đoạn nối SX sẵn có độ chếch 135 độ thay vì loại góc vuông 90 độ để làm cho chất thải đỡ rẽ ngoặt đột ngột gây tắc nghẽn. Tại các vị trí thuận tiện thì lắp đặt các đoạn ống có chức năng thăm để tiện xử lý khi tắc nghẽn.
Các đường ống cần được làm dốc manh, tối thiểu 2% (1m thì chênh 2cm) để tốc độ dòng chảy lớn cuốn theo chất thải.
Các đường ống chạy qua bê tông cần được chống thấm bằng thanh chống thấm trương nở, nó sẽ nở ra ôm chặt ống không gây thấm qua chỗ tiếp giáp ống và sàn bê tông.
Đường ống thông hơi: Đường ống này dẫn từ bể chứa chất bẩn ra môi trường, chủ yếu là lên mái nhà để cân bằng áp lực trong và ngoài bể. Sử dụng các ống PVC đường kính 34-48mm là đủ khi nước dồn về thì kịp thoát khí nhường chỗ tạm thời cho nước thải chảy vào rồi sau đó nước chảy bớt ra sẽ cân bằng trở lại.
Lưu ý: Hơi sinh ra trong quá trình lên men là dạng khi gas có thể cháy nổ.
Bể phốt / hầm cầu:
Bể phốt / Hầm cầu là nơi tập trung các chất thải của con người, qua quá trình lên men tự nhiên thì các chất thải biến thành nước, khí và thoát ra, một phần nhỏ thành cặn lắng đọng lại. Tuy sơ đồ nguyên lý như hình vẽ song thực tế có thể nhiều nơi không có lớp vật liệu lọc và thay vào đó là ngăn chứa nước sạch nhất trước khi ra ngoài bể (ngăn chính là ngăn chứa, là nơi diễn ra quá trình lên men, ngăn thứ hai là ngăn lắng, ngăn thứ ba là ngăn lọc).
Tuy đơn giản vậy song cũng có tiêu chuẩn TCNV số 10334:2014 quy định về thiết kế bể tự hoại (tên chính thức trong tiêu chuẩn).
Thường ra ngoài bể chứa chất bẩn này thì người ta bố trí một hố ga chung nhận nước từ bể phân ra, từ hệ thống nước sàn vệ sinh, chậu rửa, bếp để từ đó gộp lại chảy chung ra hệ thống nước thải khu dân cư.
Cấu tạo bể chứa phân: Đáy đổ bê tông cốt thép dày 15cm mác 250, phía dưới là lớp bê tông lót mác 100. Xung quanh bo dầm cao 25cm, bề ngang dầm bằng bề ngang tường chu vi xây gạch dày khoảng 20cm, tường ngăn bên trong xây hàng gạch đơn. Đáy và thành trong bể sau khi xây cẩn thận thì được tô trát bằng vữa xi măng cát mịn mác 75 rồi đánh màu bằng xi măng tinh hòa trộn nước. Phía ngoài thành bể cũng được tô trát nhưng không cần đánh màu. Nắp đổ bằng bê tông cốt thép dày tối thiểu 10cm, có các lỗ để sẵn để hút bể sau này. Chiều cao phần ngập nước trong bể không nhỏ hơn 1,2m để quá trình lên men tốt và thời gian hoạt động bể lâu.
Lưu ý: Bê tông đáy bể tách rời các kết cấu móng của nhà, để tránh việc các kết cấu nhà chuyển dịch, lún nứt nhẹ sẽ kéo theo nứt bể.
Tính toán thể tích bể chứa: Trong bộ môn cấp thoát nước thì có công thức để tính thể tích hữu dụng (chứa nước) của bể này, phụ thuộc vào số thành viên gia đình. Tuy nhiên từ góc độ gia đình thì xây bể có tổng thể tích khoảng 2,5-5m3 là đạt yêu cầu (0,3-0,6m3/người), tối thiểu 15 năm mới đầy phải thuê dịch vụ hút.
Đầu nước và chất bẩn vào: Phải được lắp đặt ống dạng T như hình, đầu ống phải ngập trong nước tối thiểu 20cm để đưa chất thải xuống phía dưới “ngâm” làm tăng hiệu quả lên men. Thực tế trong bể sẽ hình thành một lớp màng ngăn để các vi sinh vật yếm khí (hoạt động trong điều kiện thiếu không khí) hoạt động. Nếu để chất thải rơi tự do xuống sẽ làm tan lớp màng này và giảm hiệu suất lên men phân hủy.
Vị trí: Nên bố trí xa bể nước sạch tối thiêu 2m
Thể tích các ngăn: Từ thực tế xây dựng và tham vấn TCVN thì thể tích các ngắn Chứa / Lắng / Lọc là khoảng 50%/30%/20% tổng thể tích là vừa phải.
Thực tế tư vấn xây dựng chúng tôi nhận thấy rất nhiều đội thợ XD làm sai hạng mục bể chứa chất thải này, chủ yếu ở việc phân chia công năng, thể tích từng ngăn, phân luồng dòng chảy trong bể để tối đa hoá quá trình lên men.
Hiện nay trên thị trường có những nhà SX làm ra các bể phốt / hầm cầu bằng nhựa, bằng bê tông cốt thép. Các bể này đã được tính toán sẵn về thể tích,về tỷ lệ, về ống vào / ra nên việc sử dụng và lắp đặt rất tiện lợi.

 

Rate this post

Hệ thống thoát nước gia đình - CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TÂN HOÀNG PHÁT